Tạp lục – Tibet, mái nhà của thế giới

Ghi chép của Johnie, thành viên nhóm Tây bắc và TIbet mùa xuân

Nguồn: bài viết của bác Johnie tại http://www1.ttvnol.com/f_233/269564.ttvn

Những ngày chuẩn bị:

Chỉ còn 9 ngày nữa là chúng tôi lên đường tới Tibet, miền đất huyền thoại của núi đồi và thảo nguyên huyền bí, của các lạt ma có tuệ năng siêu phàm, của những đoàn người hành hương với lời linh nguyện OM MANI PADME HUM và mùi hương trầm huyền hoặc dưới những mái tu viện cổ kính, của những đèo Tử thần, đỉnh Kailash (Ngân sơn) thần thánh cao chót vót lưng trời, cùng thung lũng Lhasa xanh tươi và dòng sông Yalung Tsangpo lấp lánh.

Chuyến du hành này là một trong những giấc mơ của tôi trong nhiều năm qua. Một ngày hạ oi ả thời còn là sinh viên (thập kỷ 80), tôi tình cờ tìm được cuốn “Con đường Mây trắng” cũ nát xuất bản từ trước năm 70. Cuốn này thời đó còn là loại “tham khảo nội bộ”. Những trang sách vàng ố nhàu nát đã thổi bùng lên trong tôi hình ảnh về một miền đất kỳ ảo xa xôi, đầy sắc màu kỳ diệu. Giữa trưa hè nóng bức mà cảm thấy run lên với cái lạnh nghiệt ngã của những ngọn đèo tuyết trắng, bốn bức tường ngột ngạt của căn nhà cấp 4 ẩm thấp bỗng bừng sáng lên dưới hình ảnh lung linh của một hồ Nam Tso xanh biếc, của đỉnh Ngân sơn sáng rực tựa trăng rằm.

Cuốn sách không phải là của tôi. Thời đó photocopy còn là một kỳ vật mà chỉ đôi cơ quan công quyền lớn mới có, tôi đành trả lại cho người chủ sau khi đã nghiền ngẫm ngược xuôi vài bận. May thay, chẳng lâu sau tôi lại được cơ hội mượn được thêm cuốn “Đường mây qua xứ Tuyết” và “Hành trình về Phương Đông”, thời đó cũng thuộc loại cấm thư. Quả là những tuyệt tác. Thêm một lần nữa hình ảnh về miền núi tuyết xa xôi lại hiện ra như một linh ảnh thần kỳ, và chiếm một chỗ vững chắc trong tôi như một miền đất của những thánh thần mà rất đỗi thân thuộc. Từ đó, tôi biết chắc chắn rằng có một ngày mình sẽ “chân dận vạn dặm hài, tay quay chuyển luân kinh, miệng nhẩm câu mantra mầu nhiệm” mà tới Lhasa, như một người hành hương.

Rồi tôi ra trường, đi làm, giấc mơ Tibet như bị chìm xuống dưới các lo toan bận rộn của cơm áo gạo tiền. Thế rồi cuối thập kỷ 90, tình cờ gặp lại anh bạn từ hồi đại học, gia nhập vào nhóm lang thang xe máy cùng với anh để rồi lập nên nhóm Tây bắc. Giấc mơ ngày nào lại hiện về mạnh mẽ vào thôi thúc không ngờ. Đã có năm tôi thử tập thiền đặng hiểu thêm đôi chút về những điều Govinđa đã viết. Mưu sự đã lâu, nhưng cơ hội thì phải chờ thôi.
Một ngày cuối đông Ất Dậu, tình cờ tôi đọc lời nhắn của anh bạn hoankiem trên box Du lịch của forum ttvnol (www.ttvnol.com) về một chuyến đi Tibet, dường như tôi biết chắc chắn rằng cơ hội đã đến, và tôi sẽ không thể để nó trôi qua. Đầu xuân, chúng tôi gặp nhau và cũng không ngờ lại có nhiều người quan tâm và đăng kí‎ tham gia đến vậy. Có đến trên 20 người đăng kí hoặc chắc chắn, hoặc dự bị. Theo tính toán của chúng tôi, chuyến đi sẽ qua nhiều chặng rất dài bằng Land Cruiser, và quân số do vậy tối đa chỉ nên là bội số của 4, để tiện xếp chỗ. Sau nhiều lần họp bàn và thống nhất chương trình, đến giờ chót đoàn chốt lại 11 thành viên, trong đó có một nhóm nhỏ 3 người sẽ đi hành trình 9 ngày (Hà nội – Lào Cai – Kunming – Lhasa), một nhóm khác gồm 4 người sẽ đi hành trình 16 ngày (Lhasa – Gyantse – Shigatse – Everest – Kathmandu) , và 4 người còn lại sẽ giành hẳn thêm 3 tuần nữa để đi thêm các địa danh khác của Nepal trước khi sang Ấn độ rồi mới trở về.

Một điều đáng nói nữa là trong đoàn 11 người thì có đến 7 thành viên là nữ. Thế mới thấm cái câu: “ Thân này ví đổi làm trai được”… của bà chúa thơ Nôm.
Với máu lang thang có sẵn, chúng tôi qu‎yết định sẽ không đi theo tour mà sẽ thử sức một phen với Lonely Planet (LP) trên đất Tibet. Cuốn bảo bối này (Edition 2005) được cả đoàn nghiền ngẫm rất kỹ và thực sự là người bạn đồng hành thân thiết của chúng tôi trên toàn bộ chuyến đi. Theo LP, để bay vào Tibet từ Trung quốc, thường dân balô sẽ đi qua đường Qinhai (Thanh hải), Chengdu (Thành đô , hoặc Zongdian (Shang rila). Đi từ Việtnam thì Qinhai quá xa, không nên chọn. Để có thể tiết kiệm được ngay chặng đầu tiên, chúng tôi chọn cách đi tàu đêm từ Hà nội lên Lào cai, rồi sáng hôm sau bắt xe bus từ Hekou (Hà khẩu) đi Kunming (Côn minh). Xe sẽ đến Kunming vào chiều tối hôm đó. Sáng hôm sau sẽ bay từ Kunming hoặc qua Zongdian, hoặc Chengdu rồi bay tiếp vào Lhasa.

TẠP LỤC – TIBET, MÁI NHÀ CỦA THẾ GIỚI

(Tiếp theo)

Về visa, để vào đến Tibet, dân du lịch sẽ phải làm hai giai đoạn thủ tục. Trước hết là xin visa thông thường tại ĐSQ Trung quốc (mất 4 ngày và US$30). Sau đó, bạn sẽ bắt buộc phải thông qua một tour agent tại Kunming, Chengdu hoặc Qinhai để làm thủ tục xin một giấy thông hành vào Tibet (gọi là TTB permit – Tibet Travel Bureau permit). Có được cái giấy đó mới có thể mua được vé máy bay vào Lhasa.

Thông thường, các tour agent sẽ chào cho bạn một giá trọn gói cho cả permit và vé máy bay, với giá khoảng 2600 – 2700 tệ. Chúng tôi chọn tour agent là văn phòng Mr.Chen :

MR.CHEN’s OFFICE
TIBET TOUR BY AIR OR OVERLAND,
No. 3 Bldg, Room 3115 of Camelia Hotel, Kunming, Tel / fax : 0871-3188114
Ms.Elena Wang, Email : batrichina@hotmail.com
Mr.Chen qijia_chen@yahoo.com.cn

Văn phòng này đặt ngay tại khách sạn Camelia tại Kunming, khá nổi tiếng trong giới backpacker. Chen là một tay chủ trẻ, khá năng động và biết điều. Mức giá ban đầu do cô nhân viên Elena Wang phát ra là 2750 tệ, tuy nhiên cuối cùng khi chúng tôi liên hệ thẳng với Chen, y đồng í với mức 2650 tệ. Vậy là hợp đồng vé và permit đã được kí bằng email.

Nhớ rằng nếu không muốn mất thêm một ngày chờ đợi ở Kunming, bạn nên email luôn cho Chen một bản scan của hộ chiếu, visa Trung quốc của bạn, để y in ra và nộp cho nhà chức trách để có được chiếc giấy thông hành TTB nổi tiếng đó. Sau khi giao cho bạn vé máy bay và TTB permit, trách nhiệm của tour agent đã hoàn tất, và chương trình sau khi đến Lhasa là hoàn toàn tùy thuộc vào bạn, tùy thích.

Mặc dù có thể chuyển tiền đặt cọc bằng Western Union, nhưng để cho chắc chắn, anh bạn hoankiem cùng ba thành viên khác của nhóm 38 ngày đã xuất phát sớm một ngày để đến Kunming lấy vé và permit. Với chúng tôi, các thành viên còn lại, việc duy nhất còn phải làm là đóng đồ, thu xếp công việc và lên đường.

Riêng với nhóm 16 ngày, chúng tôi cần đặt vé về từ Nepal. Có nhiều đường bay, tuy nhiên tôi chọn cách bay bằng Royal Nepal Airlines về Bang kok với mức giá US$250/người (rẻ hơn Thai Airways cỡ US$100), sau đó bay tiếp bằng Air Asia về Hà nội với giá U$54 trong cùng ngày. Với Air Asia, việc đặt vé qua mạng có thể thực hiện rất đơn giản thông qua http://www.airasia.com. Việc đặt vé của Royal Nepal khó khăn hơn, bởi trang web của họ quá nghèo nàn và không hề hỗ trợ hay thậm chí giới thiệu cách đặt vé.

Sau một hồi lục lọi trên mạng, tôi đã đặt được vé thông qua một văn phòng tour (www.nepalexcursion.com) đặt tại Kathmandu, thủ đô của Nepal. Đi kiểu này tiết kiệm thì rõ rồi, nhưng có một rủi ro khá hiện hữu là chuyến bay Kathmandu-Bangkok là một trong những chuyến nổi tiếng về việc thường xuyên bị chậm giờ. Theo lịch trên vé thì chuyến này sẽ xuất phát lúc 8h30, và về đến Bangkok lúc 1h chiều. Tuy nhiên nếu về đến Bang kok sau 5h30 giờ chiều, sẽ gần như chắc chắn lỡ chuyến bay Air Asia lúc 7 giờ, và như thế sẽ có nghĩa là mất trắng U$54 tiền vé, cộng thêm U$54 nữa cho một chiếc vé vào ngày khác (là hôm sau, nếu may mắn), tiến ăn và khách sạn để ở chơi Bangkok một cách bất đắc dĩ cho đến khi mua được chiếc vé mới. Tuy nhiên đi backpack thì đôi khi phải liều thôi. Khoác ba lô là go go go.

Trước ngày lên đường, một việc nữa cũng cần phải làm là đổi tiền ra nhân dân tệ. Nên đổi ngay tại Việtnam, bởi sẽ không có nhiều thời gian để đổi tiền ở Kunming hay Chengdu. Tại Lhasa, việc đổi tiền cũng khá bất tiện, vả lại bạn sẽ muốn giành thời gian ở đó để đi chơi hơn là để đi đổi tiền. Dự tính mỗi người chúng tôi sẽ tiêu hết khoảng 8 ngàn tệ tại Trung quốc và Tibet.

Cũng không nên thiếu một bản hợp đồng bảo hiểm du lịch toàn cầu cho toàn bộ chuyến đi. Nếu bạn có một thẻ tín dụng của ngân hàng ACB, việc phải làm là chỉ cần trả thêm U$9 là sẽ có một hợp đồng như vậy cho cả năm (!). Bằng không, có thể mua theo chuyến 15 ngày hoặc 30 ngày của công ty cổ phần bảo hiểm Viễn đông (VASS/ http://www.viendong-insurance.com) với giá khoảng U$2/ngày, để được bảo hiểm từ tai nạn, y tế cho đến mất cắp và thậm chí là chuyến bay của bạn bị hoãn hoặc hủy.

Visa đã xong, vé tàu đã mua, bảo hiểm cũng đã trả, ba lô đã buộc gọn, tiền đội đã đi từ đêm trước, chúng tôi hồi hộp chờ giờ xuất phát.

21 giờ ngày thứ Sáu, 24/03/2006, dưới cơn mưa lất phất, chúng tôi lên tàu trong sự đưa tiễn ấm áp của anh em bạn bè. Con tàu tốc hành quằn mình trong cơn gió lạnh cuối mùa, lao vút về phía bắc.

hứ Bảy, ngày 25/03/2006 (Lào cai – He kou – Kunming):

Tàu đến Lào cai vào khoảng 6h30. Ăn sáng xong, chúng tôi ra cửa khẩu làm thủ tục xuất cảnh. Dường như nhóm Tibet mùa xuân là những người khách duy nhất xuất cảnh bằng hộ chiếu và visa. Dân thường và khách tour đều chỉ làm giấy thông hành. Trước khi làm thủ tục, hãy nhớ ghé qua phòng Kiểm dịch y tế biên giới (ở ngay cạnh bàn hải quan) để uống một liều vắc xin tổng hợp màu trắng đục, vị tanh lợ lợ, và được cấp một Phiếu tiêm chủng quốc tế. Thiếu chiếc phiếu này, hải quan phía Trung quốc sẽ dứt khoát không cho bạn vào đất của họ.

Cơ quan xuất nhập cảnh bên Hekou nằm ở phía đầu cầu bên kia. Với visa và phiếu tiêm chủng trong tay, chúng tôi nhanh chóng làm xong thủ tục nhập cảnh và bước vào thị trấn Hekou. Một tay cò xe ngay lập tức bám lấy chúng tôi. Ngạc nhiên là y nói tiếng Anh rất tốt. Bến xe Hekou đi Kunming nằm cách cửa khẩu chỉ hơn trăm mét về phía bên trái. Gọi là gặp cò, nhưng thực tế thì tất cả các việc y làm là dẫn chúng tôi đến quầy vé, và chỉ ra chiếc xe mà chúng tôi sẽ đi. Chúng tôi vẫn trực tiếp mua vé tại quầy của bến xe với đúng giá quy định là 112 tệ. 10 giờ 50 phút, xe xuất phát đi Kunming.

Chiếc xe khá lớn, kiểu xe 45 chỗ cho khách du lịch với khoang hành lí nằm dưới gầm, có hai cửa hai bên để chất và lấy đồ. Ghế có thêm lớp vỏ bọc trắng vải cotton. Máy dầu nhưng chạy rất êm. Lái xe (bên Tàu gọi là sư phụ) trạc 45 tuổi, tóc húi cua. Phụ xe là một tiểu thư tóc dài, người đầy đặn, ăn mặc khá kiểu cách. Cảnh ngón tay màu hồng của nàng lướt trên quyển sổ phụ xe cáu bẩn vàng khè dường như là một sự chắp nối vụng về của số phận. Sau này tôi biết thêm rằng nhà nàng thầu chiếc xe này. Lái xe là một người bà con của gia đình, còn bản thân nàng thì làm phụ xe đã được đôi năm, cứ hôm nay chạy Kunming – He kou thì hôm sau lại He kou –Kunming. Cuộc đời như một tấm vải thưa, với các sợi là từng ngày đan vào nhau thô vụng, đơn giản đến không ngờ.

Chặng đầu của quãng đường Hekou – Kunming chạy dọc theo sông Hồng, bên kia vẫn là đất Việt nam với bờ lau, đường mòn ven sông, đìu hiu và hoang vắng. Trái lại, phía bờ bên Tàu đang là một đại công trường kéo dài mấy trăm cây số. Đó chính là một con đường cao tốc nhiều làn, với các loại cầu vượt khổng lồ dựng lên trên đầu những cột bê tông lớn cỡ dăm sáu người ôm không xuể. Cảm giác bước ra nước ngoài mà vẫn luôn nhìn thấy tổ quốc thật lạ, và kìa, cách Hekou cỡ 30km, ngã ba sông Hồng hiện ra trước mặt, với đồn biên phòng lẫn trong màu xanh cây rừng và chiếc cột mốc biên giới bằng đá hoa cương màu nâu đỏ rực trong nắng trưa. Không khỏi nhớ đến ngày cách đây mấy năm nhóm Tây bắc chúng tôi đã đến bên cột mốc này để thăm nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, và cùng hát với các anh bộ đội biên phòng bài “ Gửi em ở cuối sông Hồng”. Từ đây trở đi, chúng tôi mới hoàn toàn đi sâu vào lãnh thổ Trung quốc.

Sau chặng đường đang xây dựng khá xấu, hai phần ba sau của chặng đường đã trở nên đẹp hơn. Tuy nhiên các lái xe người Tàu dường như luôn đi đúng tốc độ chỉ dẫn bên đường, cho dù dường như trong cả ngày tôi không nhìn thấy bóng một chú cảnh sát giao thông nào. Và do vậy, không thể trông mong vào việc chạy cướp đường như xe khách ở ta được. Âu cũng là safety first.

Tin nhắn của tiền đội cho biết mọi việc ở Kunming rất tốt đẹp. Giấy phép và vé máy bay vào Tibet đã sẵn sàng. Quả là một tin vui. Bữa tối 7 giờ tối tại một quán cơm bình dân ngay cạnh đường với giá 7 tệ/xuất cơm. Giá tính bằng tệ và chất lượng thì cũng tệ.

10 giờ đêm, chúng tôi đến Kunming. Thành phố về khuya không đủ nhiều đèn để chúng tôi thấy hết tầm cỡ của nó (chủ yếu là để xem nó có được “tráng lệ vào loại nhất thế giới” như Mêkông kí sự đã từng ca ngợi hay không). Cái duy nhất làm tôi ấn tượng chính là một hệ thống cầu vượt trước khi xe vào được khu trung tâm. Hệ thống này chạy xoắn ốc với hàng chục các làn xe đan xen vào nhau, đến nỗi để ra khỏi vòng xoắn ốc này, mỗi xe phải chạy vòng tròn đến ba bốn lần mới đến được đúng làn đường rẽ của mình. Quả là một công trình đáng nể.

Điểm trả khách nằm ngay trên một con phố lớn. Từ đó về khách sạn Camelia chỉ mất 10 phút đi taxi. Tôi bắt đầu vận dụng vốn từ vựng và ngữ pháp tiếng Tàu còm cõi của mình để mặc cả với các lái xe taxi. Họ không thể hiểu cái tên Camelia, cho dù là được đọc từ tờ lịch trình của chúng tôi. Thật may, tôi nhớ ra rằng khách sạn Camelia ở Việt nam còn được gọi là Trà hoa khách sạn, và ngay lập tức các sư phụ taxi hiểu ra chữ Trà hoa qua cái giọng phát âm nửa mùa của tôi. Mất 15 tệ và vài phút sau, chúng tôi đã đến được Camelia, nơi tiền đội đang đợi với một quả dưa hấu cỡ bự đã bổ sẵn, vài chai bia ướp lạnh và một gói thịt bò khô thơm phức.

Camelia (No.96 Dongfeng Dong Road, Tel: 86-871-3163000, Fax: 86-871-3147033) là một khách sạn có nhiều hạng phòng cho nhiều loại khách khác nhau từ sang trọng (vài trăm tệ một đêm) đến loại bình dân. Loại phòng phù hợp nhất với chúng tôi là phòng tập thể (dormitory), có đến 6 chiếc giường tầng cho 12 khách, với giá 25 tệ/khách. Phòng rất sạch sẽ, rộng rãi, bên ngoài có phòng tắm tập thể, bếp nấu ăn với bếp điện từ, toilet công cộng. Văn phòng tour của Mr.Chen cũng đặt ngay trong khách sạn này, thật là nhất cử lưỡng tiện.

Trục trặc đầu tiên đã xảy ra với chiếc ống kính 17-35 của tôi. Có lẽ do va đập, nó không thể lấy nét được nữa, cho dù tự động hay vặn tay. Súyt khóc, vì như vậy có nghĩa là tôi đang bước vào một trong những chuyến đi kỳ thú nhất từ trước tới nay của mình mà sẽ ra về tay trắng không có nổi một chiếc ảnh nào. May thay đã có thể mượn được chiếc ống kính Sigma dự trữ của anh bạn hoankiem, tuy chất lượng của chiếc Sigma này thì không thể so với Canon L của tôi được. Chấp nhận vậy.

Kunming, thủ phủ của Vân nam, dù chưa phải vùng núi nhưng độ cao cũng đã khoảng gần 2 ngàn mét. Tôi ngạc nhiên thấy hình như độ cao đã bắt đầu lên tiếng khi cảm thấy chiếc ba lô trên vai bỗng hình như nặng lên một chút khi leo lên gác. Hay là mình mệt do chặng di chuyển hơi dài? Cuộn câu hỏi này vào trong chăn, tôi đi ngủ ngay để chuẩn bị cho chuyến bay sớm ngày hôm sau.

meditationatgandenii7bn.jpg ahandwithmanibracelet8tt.jpgboylookingatprayerwheel9ee.jpg

Các bài khác:

9 bình luận to “Tạp lục – Tibet, mái nhà của thế giới”

  1. Tam Says:

    Cam on bai viet. Em da doc quyen Con Duong May Trang hay con goi la Duong May Qua Xu Tuyet va qua that cung dang mo lam mot chuyen hanh huong toi nui Kailash va va vung dat linh thieng Tay Tang huyen bi day 🙂 Chi co dieu sau bai nay post len chi co phan mo dau khong vay! Je Blog co the cho em xin nguon va blog cua tac gia bai viet nay duoc khong! Thanks!

  2. Vũ Thị Bích Hằng Says:

    Cảm ơn bài viết về Tây Tạng của bạn. Chúng tôi cũng đang định đi TT, nhưng có lẽ là đi qua đường Bắc kinh, nếu vậy thì làm visa đi TT ở đâu bạn nhỉ, bạn có thể chỉ giúp không. Tôi muốn được trò chuyện với bạn để tìm hiểu thêm về chuyến đi. Chúng tôi cũng định đi theo kiểu Ta ba lô, có một tai dẫn đường là người Hoa, vì tôi muốn đi tàu hỏa cao nhất thế giới. bạn vui lòng nhé, xin cảm ơn.

  3. Nguyen Thi Ngoc Phuong Says:

    Ban oi, minh cung muon lam mot chuyen di Tay Tang day. Co ban nao co ke hoach di chua, nho ru minh nua nhe!
    Email: phuongsakura123@yahoo.com

  4. vien chon Says:

    Minh cung muốn đi Tây Tạng, nếu ban nào đi, cho mình tham gia với.
    Email : saigontvc@yahoo.com

  5. gia hoi Says:

    Tôi muốn đi tây Tạng vào cuối năm 2009, hoặc đầu năm 2010, có nhóm nào đi, hoặc Cty du lịch nào tổ chức, xin cho tôi biết để sắp xếp công việc và tham gia đi cùng, vui lòng gửi email thông báo : giahoi06@yahoo.com. Chân thành cám ơn.

  6. Nguyen Thi Nhu Thuy Says:

    Ban oi minh rat muon di Tay Tang, ban cho minh biet chi phi de thuc hien mot chuyen di nhu vay la bao nhieu. Co nhom nao chuan bi di khong. Ban cho minh biet voi

  7. Tang Thoai Sang Says:

    Cam on tac gia bai viet nhieu, tu lau toi cung da co y dinh lam 1 chuyen di Tay Tang, neu anh chi em nao co cung chi huong, xin vui long lien he, chung ta co the thao luan hanh trinh va tien hanh nhe

  8. Tang Thoai Sang Says:

    Nhu Thuy oi
    Minh la sang hien gio minh da ru khoang 4 nguoi , neu ban co hung thu thi co the join voi nhom minh co gi thi lien lac voi minh qua yahoo nhe, nick minh la thoaisangtang


Bình luận về bài viết này